Nguồn gốc đĩa petri
Đĩa petri là dụng cụ được sử dụng ở hầu hết tất cả các phòng thí nghiệm sinh học trên toàn thế giới. Chắc hẳn bất cứ ai làm ngành sinh học đều đã được thấy, tiếp xúc và sử dụng loại đĩa này. Có bao giờ bạn tự hỏi ai đã phát minh ra loại đĩa đơn giản mà hữu dụng này không. Bài viết này sẽ giới thiệu với các bạn lịch sử phát minh ra đĩa petri mà chúng ta sử dụng trong các thí nghiệm ngày nay.
Julius Richard Petri là một bác sĩ quân y người Đức và làm việc trong phòng thí nghiệm của Robert Koch vào những năm 1880. Vào thời điểm đó họ sử dụng hai kiểu nuôi cấy là trên mặt thạch nghiêng trong ống nghiệm, hoặc trên mặt thạch trong đĩa tròn và được úp bằng cái chụp hình chuông bằng thủy tinh. Julius Petri nhận thấy lợi ích của việc nuôi cấy trong đĩa mở hơn là trong tube vì tăng hiệu quả phân lập khuẩn lạc. Tuy nhiên sử dụng kiểu đĩa nắp chuông úp này dễ gây nhiễm trong nuôi cấy, việc này làm Koch rất đau đầu. Petri đã có một sáng kiến là đặt một chiếc nắp đĩa hơi to hơn để chụp lên đĩa nuôi cấy. Phát minh đơn giản này chứng minh hiệu quả hơn rất nhiều so với nắp chuông. Vì vậy kiểu đĩa này được gọi là đĩa petri. Vậy là chiếc đĩa đơn giản mà hữu dụng này đã được phát minh cách đây hơn một trăm năm. Nhưng ngày nay bên cạnh các loại đĩa petri thủy tinh, đĩa petri nhựa dùng một lần từ polystyrene được sử dụng phổ biến hơn trong các phòng thí nghiệm vi sinh và tế bào.
Sau đó Julius Petri làm việc ở phòng thí nghiệm lao ở Đức và đã xuất bản hơn 150 bài báo về vi sinh học và vệ sinh dịch tễ. Ông mất năm 1921 tại thành phố Zeitz, Đức, nhưng tên của ông thì sống mãi trong các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới.
Trên đây là bài viết tổng quan về đĩa petri dùng trong phòng thí nghiệm. Chúng tôi hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho Quí khách. Ngoài ra chúng tôi còn cung cấp nhiều hóa chất thiết bị thí nghiệm khác như: máy cắt tiêu bản, dao cắt tiêu bản, cassette đúc mô… Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ của Quí khách.