Kính hiển vi trong phòng Lab IVF

Kính hiển vi trong phòng lab IVF

Phần lớn quy trình trong phòng labo IVF của các chuyên viên phôi học liên quan đến kính hiển vi quang học. Công việc chủ yếu của labo IVF là thao tác với giao tử, phôi ở thời kỳ tiền làm tổ do đó các thao tác này hầu hết được thực hiện dưới kính hiển vi với độ phóng đại lớn. Các loại kính hiển vi trong phòng lab IVF chủ yếu gồm ba loại là kính hiển vi soi ngược, kính hiển vi soi nổi, kính hiển vi thông thường (up right).

Việc lựa chọn kính hiển vi cho phòng thí nghiệm IVF là đặc biệt quan trọng do tất cả các mẫu giao tử, phôi được quan sát, thao tác trực tiếp dưới kính là mẫu sống. Vì vậy mỗi loại kính cần thiết lập với hệ chiếu sáng, vật kính, thị kính và các bộ phận quang học khác với các thông số thích hợp, để có thể hiển thị rõ phôi, giao tử dưới kính hiển vi. Bài này sẽ điểm qua một số điểm chính quan trọng trong việc lựa chọn kính hiển vi cho trung tâm IVF, qua đó giúp các chuyên viên phôi học lựa chọn được kính hiển vi thích hợp nhất cho lab IVF của mình.

Kính hiển vi thẳng đứng (up right)

Một trong ba loại kính hiển vi trong phòng lab IVF là kính up right. Đặc điểm của kính này là ánh sáng sẽ được truyền thẳng đứng từ dưới lên xuyên qua mẫu vật, vào vật kính, qua thị kính và cuối cùng đi vào mắt của người quan sát. Loại kính này rất phổ biến với hầu hết các bạn đã từng học về sinh học, làm xét nghiệm vi sinh, tế bào hay giải phẫu. Tuy nhiên, việc lựa chọn được chiếc kính hiển vi thẳng đứng sao cho thích hợp với mục đích phân tích tinh dịch thì không phải ai cũng nắm được rõ ràng. Để lựa chọn được kính hiển vi thích hợp cho mục đích của từng phòng thí nghiệm, người thực hiện thao tác với kính cần hiểu rõ về bản chất mẫu của mình cần soi. Trong trường hợp này, mẫu cần được soi là tinh trùng và có thể một số tế bào lạ xuất hiện trong tinh dịch như bạch cầu. Trong phân tích tinh dịch đồ theo WHO 2010 thì mẫu đánh giá mật độ, tỷ lệ di động là mẫu không nhuộm màu. Do đó, tế bào tinh trùng dường như là một vật thể trong suốt, mặc dù cấu trúc tinh trùng được chia ra nhiều phần phức tạp như thể cực đầu (acrosome), phần đầu dưới, cổ, và đuôi. Vì vậy, để nhìn được rõ nét tế bào tinh trùng, kính hiển vi cần có độ phân giải cao và đặc biệt tương phản tốt để hình ảnh trong kính hiển thị sắc nét, phân biệt được các phần với nhau. Để có được điều này bạn cần chọn kính hiển vi với bộ chiếu sáng phản pha (phase contrast). Với hệ chiếu sáng này, bạn sẽ nhìn mẫu vật sống không có thuốc nhuộm rõ nét hơn. Các bạn có thể tham khảo thêm bài sau về các kính hiển vi soi tinh trùng.

Kính hiển vi trong phòng lab IVF
Kính hiển vi trong phòng lab IVF

 

Kính hiển vi soi nổi (Stereomicroscope)

Một trong số kính hiển vi phòng lab IVF quan trọng nhất là kính hiển vi soi nổi. Kính hiển vi soi nổi khác với các kính hiển vi quang học khác ở chỗ, nó thu nhận ảnh mẫu vật qua ánh sáng phản xạ. Chính vì sử dụng ánh sáng phản xạ, cùng với hai đường truyền ánh sáng song song với nhau, nên dùng kính hiển vi soi nổi nhận được ảnh mẫu vật dạng 3D. Kính hiển vi soi nổi thường có độ phóng đại thấp từ 7 tới 50 lần, gần đây một số mẫu kính có độ phóng đại lớn hơn 100 lần. Tuy nhiên, với độ phóng đại càng lớn thì khoảng cách từ vật kính tới mẫu vật càng ngắn, và ngược lại khoảng cách này sẽ dài ra với vật kính nhỏ. Thông số này rất quan trọng trong việc lựa chọn kính hiển vi trong phòng lab IVF vì hầu hết các thao tác được thực hiện dưới kính hiển vi soi nổi, do đó khoảng cách làm việc cũng cần lựa chọn thích hợp cho hiệu quả công việc cao nhất có thể. Với phòng thí nghiệm IVF kính hiển vi soi nổi thường được chọn với hệ chiếu sáng trường sáng, đèn halogen và chiếc gương hai mặt để giúp tương phản tốt hơn. Nếu lựa chọn hệ đèn led, nên chọn bổ sung bộ phận tương phản đồng bộ từ hãng, để nhìn mẫu vật được rõ nét.

Kính hiển vi trong phòng lab IVF
Kính hiển vi soi nổi

Kính hiển vi soi ngược (Inverted Microscope)

Kính soi ngược là kiểu kính có ánh sáng đi từ trên xuống, qua mẫu vật, đi vào vật kính, đi vào thị kính và cuối cùng truyền vào mắt người quan sát. Vì vậy loại kính này thích hợp để thực hiện các vi thao tác phức tạp trên mẫu vật, do có một khoảng không gian lớn phía trên vị trí đặt mẫu.

Kính hiển vi soi ngược (Inverted Microscope)
Kính hiển vi soi ngược (Inverted Microscope)

Kính soi ngược là loại kính hiển vi trong phòng lab IVF quan trọng nhất. Kính hiển vi soi ngược liên quan tới hầu hết các công việc quan trọng và quyết định nhất trong phòng thí nghiệm IVF như ICSI, đánh giá thụ tinh, quan sát và đánh giá chất lượng phôi, sinh thiết, hỗ trợ thoát màng… Do đó việc lựa chọn kính hiển vi soi ngược là mối quan tâm hàng đầu của các chuyên viên phôi học. Hệ chiếu sáng của kính hiển vi soi ngược nên được chọn là Hoffman Contrast, trong một số trường hợp (IMSI) có thể là (Normaski-DIC). Hệ chiếu sáng Hoffman Contrast sẽ giúp tạo độ tương phản cao, phân giải tốt, hình ảnh 3D thích hợp cho thao tác ICSI, sinh thiết và đánh giá phôi. Ngoài ra, kính hiển vi soi ngược thường được trang bị thêm bộ vi thao tác, thiết bị laser, và có thể bộ phận phát ánh sáng phân cực trong phân tích thoi vô sắc.

Qua bài này hy vọng các bạn sẽ có được những thông tin hữu ích để đưa ra được lựa chọn tốt nhất cho việc thiết lập hệ thống thiết bị trong lab IVF. Đặc biệt, việc đưa ra lựa chọn kính hiển vi trong phòng lab IVF sẽ dễ dàng hơn, đảm bảo chất lượng tốt nhất cho lab của bạn.

 

 

 

 

SHARE

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here