Ứng dụng công nghệ AI vào thụ tinh ống nghiệm
Hầu hết chúng ta đều không lạ với thuật ngữ cách mạng 4.0 ngày càng xuất hiện nhiều trên báo chí và các kênh truyền thông. Trong cuộc cách mạng này, các công nghệ sẽ kết hợp với nhau và thay thế dần cách công việc thường được con người đảm nhận. Công nghệ AI hay trí tuệ nhân tạo là một trong các mũi nhọn của cuộc cách mạng này. Lĩnh vực y học cũng không thể nằm ngoài luồng ảnh hưởng của công nghệ AI. Như các bạn đã biết, hãng IBM bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo đã phát triển ra ứng dụng IBM Watson để hỗ trợ các bác sĩ chẩn đoán và điều trị ung thư. Hơn nữa, ứng dụng công nghệ AI vào thụ tinh ống nghiệm cũng bắt đầu được tiến hành và thực hiện. Thực vậy, tập đoàn Virtus Health của Úc ngày hôm nay đã công bố một ứng dụng trí tuệ nhân tạo mang tên Ivy dùng để đánh giá và lựa chọn phôi tự động dựa vào hình ảnh time-lapse được chụp trong toàn bộ quá trình phát triển phôi. Đây là một sản phẩm của Du học sinh người Việt “Trần Đặng Đình Áng”, anh đang là sinh viên y năm cuối của Đại học New South Wales.
Nguyên lý của ứng dụng công nghệ AI vào thụ tinh ống nghiệm
- Hiện nay hầu hết các phòng labo thụ tinh ống nghiệm đều sử dụng đánh giá hình thái để lựa chọn phôi để chuyển vào bệnh nhân. Cách lựa chọn này không mang lại hiệu quả cao và mang tính chủ quan lớn.
- Các nhà khoa học cũng cố gắng phát triển nhiều phương pháp khác nhau để giúp điều kiện nuôi cấy tốt hơn và hỗ trợ được quá trình chọn lựa. Công nghệ theo dõi phôi liên tục Time-lapse đã được phát triển để giúp phôi được quan sát liên tục mà vẫn trong điều kiện nuôi cấy tối ưu nhất. Đồng thời các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra nhiều sự kiện quan trọng có thể giúp dự đoán tiềm năng làm tổ của phôi. Đã có khá nhiều mô hình dự đoán được phát triển để trợ giúp chọn phôi dựa vào thông số thu được bởi công nghệ time-lapse. Một chương trình lựa chọn phôi tự động (EEva) được phát triển dựa trên trợ giúp của máy tính.
- Bên cạnh đó, công nghệ di truyền tiền làm tổ cũng được phát triển với mong muốn giúp lựa chọn được phôi khỏe mạnh về mặt di truyền (PGT). Công nghệ này tập trung vào hai mục tiêu chính: 1) Sàng lọc phôi bình thường về mặt số lượng nhiễm sắc thể, và tránh một số bất thường về cấu trúc. 2) Giúp những cặp cha mẹ mang gene gây bệnh có thể có những đứa con khỏe mạnh. Tuy vậy, công nghệ này khá xâm lấn và các nhà khoa học vẫn cố gắng phát triển thêm nhiều kỹ thuật khác để nâng cao hiệu quả.
- Tất cả những công nghệ trên vẫn đang trong quá trình phát triển và kiểm nghiệm, nhưng cũng chưa hẳn ưu việt nhất. Công nghệ time-lapse là một ý tưởng hay nhưng có quá nhiều dữ liệu trong quá trình phát triển bị bỏ qua. Đồng thời do dữ liệu quá lớn, có nhiều thông số mà con người không thể tự tổng hợp được và đưa ra đặc điểm chung nhất của các phôi có khả năng làm tổ. Hiểu được điều này, anh Đặng Trần Đình Áng đã sử dụng dữ liệu của 2.661 phôi được nuôi cấy trong tủ ấm time-lapse EmbryoScope sau đó dùng phương pháp “Machine Learning” để tạo ra ứng dụng tự động chấm điểm cho phôi. Nhóm phát triển phần mềm này khẳng định khả năng chọn được phôi phát triển tới giai đoạn thai lâm sàng (có tim thai) là 89%. Hơn nữa, việc thực hiện tự động và thời gian rất nhanh. Đây là thành công bước đầu của ứng dụng công nghệ AI vào thụ tinh ống nghiệm, cần có các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng để chứng minh kết quả này.
Qua đây có thể thấy rằng, công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ ngày càng được ứng dụng vào trong y tế để trợ giúp các bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Hy vọng rằng những năm sắp tới, bệnh nhân và bác sĩ sẽ có được nhiều lợi ích từ cuộc cách mạng này.